Đức tin cho biết có thể có phép lạ. Và khi còn sống, các Tông đồ đã được trả giá khá bộn tiền, nếu các ngài chịu nói ra bí mật quyền năng lạ lùng của mình. Có nhiều chứng tá về những chuyện không thể giải thích. Chúng là cớ cười nhạo cho người này, nhung lại tạo nên niềm kính trọng nơi kẻ khác. Chẳng hạn, trong nhà thờ lớn ở Padua có để trong hòm kiếng chiếc lưỡi của thánh An-tôn, nghe nói xưa kia ngài là một nhà hùng biện trứ danh. Ở Nevers gần Lộ-đức có xác của Bernadette, và ở Lisieux có xác thánh Thérèse, cả hai đều nguyên vẹn. Các xác đó không được ướp bằng hoá chất như mấy ông cộng sản ướp xác thánh Lenin của họ. Sao có thể có những chuyện đó được ? Nếu ta hỏi Chúa, Ngài sẽ trả lời sao với các phép lạ đó? Tôi không dám cả gan bảo Chúa sẽ trả lời như thế nào. Nhưng câu hỏi về phép lạ vẫn được đặt ra, và nó thực ra cũng thuộc niềm tin Ki-tô giáo, xác nhận Chúa có quyền năng trên thế giới và Ngài quả có thể làm bất cứ chuyện gì. Phải chăng những sự kiện trên đã vượt ra ngoài các định luật tự nhiên ? Hay trong chính những định luật thiên nhiên đã sẵn chứa những biến số mà Chúa đã có thể lợi dụng ? Đấy chẳng phải là những câu hỏi căn bản. Ngày nay, ta thấy ngày càng rõ hơn, là mình biết các luật tự nhiên như chỉ là những quy tắc áp dụng. Còn ngay trong tự nhiên thật sự là gì, và đâu là tầm ảnh hưởng của luật tự nhiên, thì chúng ta chưa xác định được. Điều quan trọng cần biết, là Chúa – sau khi đã dựng nên tạo vật – đã không ẩn mặt. Ẩn mặt trong nghĩa : Vâng, bây giờ thì bộ máy cứ việc chạy như Ta đã lên kế hoạch cho nó ngay từ đầu rồi. Không, Chúa có thể làm gì tiếp. Ngài trước sau vẫn là Tạo hoá, và vì thế luôn có khả năng can thiệp. Mỗi can thiệp đều là phép lạ ? Không được hiểu chữ phép lạ một cách mê tín, làm như thể người ta có thể gọi được phép lạ đến. Không được biến nó thành những toa thuốc rẻ tiền. Nhưng cũng không được tỏ ra ta đây biết điều và muốn ra lệnh cho Chúa có thể làm gì. Về điểm này tôi có đọc một chuyện rất hay, trong cuốn sách viết về nhà thần học tin lành rất mộ đạo là giáo sư Adolf Schlatter. Schlatter được gọi tới đại học Berlin, là nơi nhà thần học tin lành nổi tiếng mang khuynh hướng tự do là Adolf von Harnack đang dạy. Giáo Hội tin lành muốn làm vậy để trung hoà bớt chủ nghĩa tự do của Harnack. Harnack rất lịch thiệp. Dù việc phái Schlatter tới là một nhát búa đối với ông, nhưng ông vẫn ân cần tiếp đón Schlatter và nói, chuyện gì tới sẽ tới, chúng tôi rồi sẽ hiểu nhau. Và cả hai đã cộng tác tích cực với nhau. Thế rồi trong một cuộc họp hay buổi nói chuyện gì đó, có người hỏi về những mâu thuẫn giữa hai người, Harnack trả lời : Giữa hai chúng tôi, ông Schlatter và tôi, chúng tôi cách nhau thật ra chỉ với câu hỏi về phép lạ. Nghe thế, Schlatter lập tức la lên : Không phải, câu hỏi về Chúa ! Là vì trong câu hỏi về phép lạ đã tiềm ẩn câu hỏi về Chúa. Ai không nhìn nhận phép lạ (Harnack hoài nghi phép lạ. Người dịch), kẻ đó có một hình ảnh khác về Chúa. Tôi nghĩ, câu chuyện đã trả lời đúng cho vấn đề của ta. Vấn đề không phải là ta có thể công nhận sự kiện lạ lùng này kia là phép lạ hay không. Mà vấn đề là Chúa vẫn là Chúa. Và Ngài, qua cách Ngài muốn và cách đó tốt cho thế giới, khi cần vẫn có thể tỏ cho thế giới biết Ngài vẫn là tạo hoá và chúa tể. Giáo chủ Gio-an Phao-lô II có lần nói : « Khi làm việc với Chúa, người ta có thể nhận được ánh sáng tỏ cho mình thấy con đường của Ngài, và như thế giúp mình khám phá ra phần nào chương trình của Ngài ». Có nghĩa là, với đức tin, ta có thể nhìn thấu tương lai ? Trên thực tế, ta có thể nhận ra phần nào chương trình của Chúa. Nhận thức đó vượt lên trên số phận cá nhân con người tôi và đường đi của tôi. Nhìn lại tổng quan lịch sử, ta cũng thấy là lịch sử đã không trôi dạt một cách tình cờ, nhưng đã đi theo một con đường và được lái về một mục tiêu. Trong cái diễn tiến lịch sử xem ra ngẫu nhiên ta có thể nhận ra một lí trí nội tại, lí trí của Chúa. Với nhận thức đó, dù ta vẫn không thể đoán trước được cái gì sẽ tới, nhưng ta có một thức tỉnh nào đó về sự nguy hiểm có thể có trong những cái này – và ngược lại, có những hi vọng tiềm ẩn trong những cái kia. Ta sẽ có một cảm quan về tương lai, khi nhận ra cái gì sẽ phá vỡ tương lai (bởi cái đó đi ngược lại cái hợp lí nội tại của đường đi), và cái gì sẽ dẫn ta đi tiếp (bởi nó mở ra những cánh cửa tích cực và hợp với kế hoạch nội tại của toàn thể). Nhờ thế, ta có khả năng chẩn đoán tương lai. Nơi các tiên tri cũng thế. Họ không phải là những nhà tướng số, nhưng là những tiếng kêu. Họ nhờ Chúa nhận ra được thời đại, và nhờ vậy, họ có thể một mặt báo động về những gì nguy cơ – và mặt khác chỉ ra cho con người bước đường đúng phải đi. Nếu Đức Giê-su Ki-tô là con Thiên Chúa và là Chúa thật, toàn năng toàn trí, thì ta có lẽ cũng nói được rằng : Vâng, cách đây 2000 năm, khi đang bị treo thân trên thập giá, Ngài đã biết đến cá nhân tôi rất rõ. Với khả năng quan phòng hẳn Ngài đã biết cả đến tên tôi. Trong thư gởi giáo đoàn Ga-la-tê thánh Phao-lô viết : « Ngài đã nhận ra tôi và đã hi sinh mạng sống cho tôi ». Xét một cách thuần thực nghiệm, thì Chúa dĩ nhiên đã không biết Phao-lô. Nhưng, nhờ được Đấng Phục Sinh gọi, Phao-lô biết được ánh mắt của Chúa đã soi thấu đến ngài. Chúng ta không nên cố tìm hiểu, xem làm sao Đức Ki-tô là người mà lại có thể nhìn thấu được sự vô tận của con người trong lịch sử, nhưng hãy biết rằng, chính trong cơn lo âu trên núi cây dầu, chính trong tiếng vâng chấp nhận thánh giá, Ngài đã nhìn chúng ta, và Ngài cũng đã nhận ra tôi, có thể nói như vậy. Hành vi đó bao hàm quyết định tình yêu, một quyết định đã có trong đời đời, đã được thể hiện nơi cuộc sống tại thế của Đức Ki-tô, và đã xác định đời Ngài. Như thế tôi biết, tôi không phải là một kẻ hậu sinh không tên tuổi nào đó, một kẻ đứng bên ngoài quả tinh cầu, song đã có một quan hệ cá nhân với tôi, quan hệ đó cắm neo sâu thẳm nơi hành vi hi sinh mạng sống của Đức Ki-tô.
|